Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự, ATGT
24/07/2023 09:56
Sáng 6/7, Ban Bí thư (BBT) Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt thực hiện Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong tình hình mới.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự, ATGT

Điểm cầu tại Trung ương...

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực BBT, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; lãnh đạo Bộ Công an, các bộ, ngành ở Trung ương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố cả nước với hơn 35.000 đại biểu tham dự.

 Điểm cầu huyện Hương Khê do đồng chí Nguyễn Thanh Điện UV BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Ngô Xuân Ninh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện chủ trì.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc hội nghị.

(Ảnh: bocongan.gov.vn).

Khai mạc hội nghị, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Năm 2012, BBT ban hành Chỉ thị 18-CT/TW ngày 4/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Qua đó ý thức chấp hành pháp luật giao thông có chuyển biến, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, thiệt hại do tai nạn giao thông vẫn rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc ban hành Chỉ thị số 23 là kịp thời và phù hợp với thực tiễn, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm trật tự ATGT, phục vụ phát triển KT-XH. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia quán triệt Chỉ thị số 23.

(Ảnh: bocongan.gov.vn).

Chỉ thị số 23 của BBT Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh - trật tự, ATGT trong tình hình mới do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia trình bày, nêu rõ:

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4-9-2012 của BBT Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. 

Điểm cầu huyện Hương Khê

Tuy nhiên, trật tự, ATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hoá tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm trật tự, ATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn... tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT; đầu tư cho hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm trật tự, ATGT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác quản lý nhà nước về trật tự, ATGT có mặt còn hạn chế; ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt. 

Để đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, ATGT đáp ứng yêu cầu tình hình mới, BBT yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, ATGT; kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT; xác định bảo đảm trật tự, ATGT là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.

Chị thị đề ra 6 nhóm giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh - trật tự, ATGT trong tình hình mới.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực BBT, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận, đánh giá cao kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ thị 18 của BBT Trung ương Đảng khóa XI.

Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của BBT Trung ương Đảng là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thực hiện bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới. Với trách nhiệm trước Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, nêu cao trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Vận động xã hội, cùng nhau xây dựng đạo đức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, trong đó yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm và gương mẫu trước Nhân dân.

Các lực lượng được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT phải xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong lòng Nhân dân. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải toàn tâm, toàn ý để mang lại hiệu quả về đảm bảo trật tự, ATGT, phục vụ Nhân dân.